Chó nhà chị Loan (TP HCM) chỉ thích uống sữa, ăn thịt luộc và thịt quay, nên mỗi lúc đến bữa, chị lại lo vì nó bỏ đồ thì phí.
Hơn hai năm nay, vợ chồng chị Loan (32 tuổi, phường Phú Hữu, quận 9) thường xuyên bất đồng quan điểm vì chuyện nuôi hay cho đi con chó Lu nhà mình. Nhà có con nhỏ, chị Loan sợ nuôi chó dễ lây bệnh và gây hại cho con. Chị nhiều lần bàn với chồng nên mang Lu về quê hoặc cho người khác, nhưng anh Tuấn không chịu. Anh bảo nhà có con chó sẽ yên tâm khi hai vợ chồng đi vắng.
Lu không phá phách và rất sạch sẽ. Chỉ có điều, cậu kén ăn, chỉ thích uống sữa, ăn thịt luộc và thịt quay, còn tươi, chế biến thật thơm. Đặc biệt, Lu phải được ăn cùng lúc với chủ, nói nhẹ nhàng, cưng nựng khi mang thức ăn đến.
“Có hôm mua ba con cá biển tươi, hai vợ chồng chỉ dám ăn hai con, còn lại để phần nó. Vậy mà mang ra nó chỉ ngửi rồi bỏ đi. Chồng mình phải đi pha sữa, dỗ mãi mới chịu uống. Nuôi chó mà như nuôi một đứa trẻ nhỏ vậy. Vừa tốn kém, vừa tốn thời gian, phải liên tục mang thức ăn đi đổ”, chị Loan kể
Chị cũng cho biết, đã nhiều lần tập cho cho Lu ăn cơm và các món khác mà không thành. Nhìn cậu đói meo ỉu xìu, chị lại mủi lòng.
Ngoài uống sữa, ăn thịt, chó Lu nhà chị Loan còn thích ăn trái cây. Ảnh: P.T
Được một người bạn cho chú chó giống Phú Quốc, anh Thuận (50 tuổi, quận 3) rất quý, đặt tên ở nhà là Đen. Từ khi có thú cưng, anh cứ đi làm về là dành thời gian chăm sóc, chẳng phụ vợ việc nhà. Chị Tuyết rất bực vì Đen quậy phá, phóng uế khắp nhà, nhưng thấy đó là niềm vui của chồng đành chấp nhận.
Tháng 4 vừa qua, Đen bị viêm đường ruột vì ăn không tiêu, phải nằm viện hơn nửa tháng. Mất gần 7 triệu tiền viện phí, anh Thuận chỉ dám nói với vợ 700 nghìn. “Tôi mà nói thật cô ấy mắng và không cho nuôi nữa. Tôi phải vay bạn rồi góp trả dần”, anh Bình nói.
Sống một mình trong căn nhà hai tầng ở phường Tân Đông Thuận, quận 7, chị Loan quyết định nuôi một chú cún để bầu bạn. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chị quyết định mua chó cảnh, dòng Samayed, đặt tên Sam.
Sam mũm mĩm, có bộ lông trắng muốt và thích ngủ phòng cô chủ. Được sắm riêng một chiếc giường, trang trí nhiều cây cảnh xung quanh nhưng Sam không chịu nằm. Cứ tối đến, cậu cứ nằm ngoài cửa phòng chủ quẫy đuôi, miệng kêu liên hồi, đến khi được đồng ý vào mới thôi.
Thế nhưng đó là điều bất tiện của chị Loan khi có bạn bè, bố mẹ đến chơi, ngủ lại. Thấy ai ngủ cùng cô chủ Sam lại đến liếm chân, kêu inh ỏi như đuổi khách.
"Bạn trai tôi đến chơi, nó làm thế, anh ấy giận bỏ về. Chúng tôi vì thế mà hết lần này đến lần khác chiến tranh lạnh. Nhưng giờ bỏ nó, chọn người yêu tôi không nỡ", chị Loan tâm sự.
Còn anh Túy (36 tuổi, quận 2, TP HCM) hết lần này đến lần khác bị hàng xóm nhắc nhở, phải xin lỗi trước các buổi họp tổ dân phố vì thói quen đi vệ sinh không đúng chỗ của con chó Ben nhà mình. Riết rồi sợ bị phản ánh, anh và vợ phải thay phiên dậy sớm, canh chó phóng uế ở đâu để dọn. Nhiều lần anh sơ tán Ben về quê nơi có đất rộng nhưng không được. Cứ vắng chủ 1-2 ngày là cậu lăn ra ốm, bỏ ăn, nằm bất động một chỗ.
"Vì chuyện đó, vợ tôi suốt ngày cằn nhằn. Nhưng Ben quý mình, bỏ thương lắm", anh Túy chia sẻ. Anh cũng cho biết đã nhiều lần tập cho chú ta đi vệ sinh đúng chỗ và sắm một bộ dụng cụ riêng mà chẳng được. Ben chỉ thích ra ngoài đi, dù ở nhà cậu rất sạch sẽ.
Cũng vì chó cưng đi bậy ở nhà hàng xóm mà "chiến tranh" nổ ra vài năm nay giữa hai nhà anh Tiến, anh Du ở phường Phước Bình, quận 9. Anh Tiến nuôi một chú giống Phú Quốc, hướng dẫn mãi mà chó vẫn không đi vệ sinh đúng chỗ, cứ nhè cửa nhà anh Du kế bên.
Vợ chồng anh Du nhiều lần dọn hộ nên rất bất bình. Phản ánh không được, họ quyết định mỗi khi thấy chó phóng uế trước cổng là mang rác sinh hoạt vứt qua nhà hàng xóm. Vậy là hai bên mâu thuẫn. Mỗi khi nhìn thấy nhau là họ gây lộn, gây mất trật tư khu phố, kéo dài suốt hơn hai năm liền. Phải đến khi chính quyền can thiệp sự việc mới dừng lại, hai bên xin lỗi nhau.
Theo bác sĩ thú y Nguyễn Quang Ký, chó là động vật rất trung thành và quý mến chủ. Chúng cũng là động vật ăn tạp, có thể ăn bất cứ thứ gì nếu đói. Việc chó kén ăn không phải do giống mà do thói quen được chủ tập từ nhỏ. Để khắc phục, chủ cần cho ăn cơm, các thức ăn khác từ từ, chờ lúc vật nuôi đói và phải thật kiên trì.
Bác sĩ Ký cũng cho rằng, việc nuôi chó ở thành phố đang gặp hai vấn đề nhức nhối là phóng uế bừa bãi và thả rông, gây mất cảnh quan và mối quan hệ với lối xóm.
“Đã có rất nhiều hệ lụy xảy ra, chỉ vì thú cưng đi vệ sinh không đúng chỗ. Để tránh mâu thuẫn không đáng có, người nuôi cần hướng dẫn chúng đi đúng nơi quy định, hoặc có thể có chỗ vệ sinh cho chúng. Trường hợp chúng không tuân thủ thì hãy lắng nghe những góp ý của người khác rồi tìm cách khắc phục để không gây ra phản cảm", bác sĩ Ký nói
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phan Thân